Abstract
Mục tiêu: Đánh giá vai trò của cộng hưởng từ tuyến vú 1.5 Tesla với quy trình rút gọn trong chẩn đoán các tổn thương nghi ngờ ung thư tuyến vú. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2022, trên 92 tổn thương nghi ngờ ung thư tuyến vú, được chụp CHT 1.5 Tesla tuyến vú đúng kỹ thuật theo hai quy trình đầy đủ (Magnetic Resonance Imaging: MRI) và rút gọn (Abbreviated Magnetic Resonance Imaging: AMRI), có kết quả mô bệnh học sau sinh thiết kim và/hoặc sau phẫu thuật. Hình ảnh CHT được phân theo 2 nhóm quy trình đầy đủ và quy trình rút gọn. Quy trình rút gọn thực hiện trong nghiên cứu bao gồm chuỗi xung STIR axial và T1FS axial ở các thời điểm trước tiêm, sau tiêm 1 phút và 2 phút. Phân tích đặc điểm hình ảnh và giá trị của 2 phương pháp có đối chiếu với mô bệnh học. Kết quả: Trên 92 tổn thương u vú, trong đó 51 trường hợp ung thư và 41 trường hợp tổn thương lành tính. Tỷ lệ phát hiện được tổn thương trên AMRI so với MRI là 97.8%. Có 2 trường hợp không quan sát thấy trên AMRI, chiếm tỷ lệ 2.2%, được xếp loại BI-RADS 3 trên MRI, có kết quả giải phẫu bệnh đều là tổn thương lành tính. Mặt khác, khi so sánh khả năng phân loại tổn thương tuyến vú theo BI-RADS trên AMRI so với MRI cho thấy độ tương hợp ở mức rất tốt (Kappa = 0.866). Phân loại BI-RADS ≥4 trong chẩn đoán ung thư vú trên AMRI cho giá trị chẩn đoán đúng là 81.5%, độ nhạy độ đặc hiệu lần lượt là 100% và 55.8%. Kết luận: Cộng hưởng từ tuyến vú với quy trình rút gọn là một phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán ung thư tuyến vú, có độ nhạy, giá trị chẩn đoán đúng tương đương với quy trình đầy đủ.
Published Version
Talk to us
Join us for a 30 min session where you can share your feedback and ask us any queries you have